Từ ngày 1.3, luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực. Đức sẽ mở rộng tiếp nhận lao động từ các quốc gia không thuộc EU.
Đó chính là cơ hội vàng cho lao động Việt Nam sang làm việc tại quốc gia có ngành công nghiệp phát triển bậc nhất ở châu Âu.
Tiếp nhận lao động trong 13 ngành nghề
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tháng 9.2019, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tại Đức, phía Bộ Lao động và Xã hội Đức có đặt vấn đề muốn tiếp nhận lao động Việt Nam và cần lao động Việt Nam. Ông Nam chia sẻ: “Phía Đức đánh giá cao lao động Việt Nam từ thời Đông Âu có tiếng là cần cù, chăm chỉ, thông minh. Theo luật Nhập cảnh mới, từ ngày 1.3.2020, Đức sẽ mở rộng tiếp nhận lao động từ các quốc gia không thuộc EU trong 13 ngành nghề, trong đó có nhiều ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn lực lượng lao động kỹ thuật tay nghề cao sang làm việc tại Đức”.
Theo đó, dự kiến trong năm nay, Bộ LĐ-TB-XH sẽ ký với cơ quan lao động của Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại Đức trong 12 – 13 ngành nghề mà Đức đang có nhu cầu lớn. Đây chính là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại Đức với những ngành nghề có mức lương cao. Những ngành nghề này ngoài điều dưỡng, hộ lý, còn có kỹ thuật viên sử dụng máy trong ngành y tế, lái xe tải, bảo mẫu, các lĩnh vực khác trong giáo dục…
“Hiện có nhiều nhà đầu tư của Đức tại các quốc gia ở châu Âu như Romania, Hungary đã nhận lao động Việt Nam và họ đều đánh giá cao người lao động (NLĐ) của chúng ta. Đức là cửa ngõ vào châu Âu, tầm ảnh hưởng của Đức ở châu Âu rất lớn. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, có thể đưa lao động sang Đức”, ông Nam thông tin thêm.
Một trong những rào cản lớn nhất ngăn lực lượng lao động nước ngoài sang làm việc tại Đức chính là chứng chỉ hành nghề và bắt buộc đối với tất cả NLĐ các ngành nghề. Tuy nhiên theo ông Nam, vấn đề này không đáng lo ngại, bởi hiện nay Việt Nam và Đức đã có hợp tác về đào tạo nghề. Năm 2019, Đức đã chuyển giao cho Việt Nam 22 bộ giáo trình dạy nghề, trong đó có các giáo trình liên quan đến các nghề mà tới đây phía bạn sẽ tiếp nhận lao động. “Nếu mình đào tạo theo đúng tiêu chuẩn của Đức, chắc chắn lao động của mình sẽ đáp ứng được điều kiện làm việc tại Đức. Đây là cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam”, ông Nam nói. Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay sau khi tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên được đánh giá kết quả đầu ra, đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng: 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp, 1 bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và có thể sang Đức làm việc.
Quản lý chặt chẽ người lao động
Đánh giá Đức là một thị trường tốt, pháp luật chặt chẽ có xu hướng bảo vệ NLĐ rất tốt, song ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho rằng ngoài đào tạo về ngôn ngữ, tay nghề, chứng chỉ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu phía Đức, cần tăng cường giáo dục tính kỷ luật, tác phong của lao động Việt Nam.
Theo ông Tân, vụ việc 39 người Việt tử nạn tại Anh là một bài học “xương máu” cho các doanh nghiệp, nhà quản lý và NLĐ. “Chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng, làm bài bản, thật chắc chắn, nên làm quy mô nhỏ chứ không nên đưa đi bằng mọi giá. Doanh nghiệp phải giáo dục định hướng cho NLĐ, để họ không còn tư tưởng bỏ trốn hay “đứng núi này trông núi nọ”. Nếu làm không tốt, NLĐ sẽ mượn con đường này để đi sang các thị trường khác trong EU”, ông Tân cảnh báo.
Trước lo ngại về tính kỷ luật, tác phong của lao động Việt Nam, ông Tống Hải Nam cho hay từ năm 2013 đến nay, có 1.000 lao động Việt Nam sang Đức làm việc trong ngành hộ lý, điều dưỡng, nhưng điều đặc biệt là không có người nào bỏ trốn. Điều dưỡng VN có chứng chỉ hành nghề của Đức có thể được trả lương từ 2.800 – 3.000 euro/tháng (tương đương 72 – 76 triệu đồng), được làm việc lâu dài tại quốc gia này, và còn được mang cả gia đình theo. “Đây là chính sách giữ chân NLĐ khi Đức tiếp nhận các nước ngoài EU, với các chính sách tạo điều kiện cho các lao động ngoài EU để họ có cảm giác như đang ở nhà. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, khi đàm phán, phía Việt Nam và Đức sẽ có những cách thức quản lý lao động tốt hơn”, ông Nam nói.
Một hạn chế nữa của lao động Việt Nam là ngoại ngữ. Tại Việt Nam không có nhiều giáo viên tiếng Đức, và tiếng Đức cũng chưa phổ biến. Tuy nhiên theo ông Nam, giới chủ sử dụng lao động của Đức cho biết họ có thể sử dụng tiếng Anh, NLĐ nào giao tiếp tốt bằng tiếng Anh thì đây cũng là lợi thế.
4 lĩnh vực thiếu nghiêm trọng công nhân kỹ thuật lành nghề tại Đức
Ông Eric Schweizer, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp CHLB Đức, cho rằng việc thiếu công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đã trở thành thách thức cho đại đa số các doanh nghiệp Đức. Dự báo đến 2030, người trong độ tuổi lao động của nước Đức sẽ giảm đến 6 triệu người. Số lượng công nhân kỹ thuật lành nghề của Đức thiếu nghiêm trọng trong 4 lĩnh vực: toán học, thông tin tin học, khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Theo Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ, tiềm năng đưa lao động Việt Nam sang Đức làm việc rất rộng mở. Các lĩnh vực Việt Nam có thể hợp tác với Đức là giáo dục nghề nghiệp, cung ứng điều dưỡng viên, lĩnh vực nhà hàng và khách sạn. Hiện có 170.000 người Việt đang sinh sống, cư trú hợp pháp tại Đức, trong đó có 7.000 sinh viên đang theo học. Cộng đồng người Việt Nam là một trong những cộng đồng nước ngoài hòa nhập tốt nhất, học sinh Việt Nam học rất giỏi và là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Đức…
Nguon: Tap Chi Huong Viet