Quỹ Bartelsmann vừa công bố kết quả nghiên cứu cho biết từ nay đến năm 2060, nước Đức cần ít nhất 260.000 người dân nhập cư mới mỗi năm để đối phó tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động do suy giảm dân số.

Theo ông Jorg Drager, Giám đốc điều hành Quỹ Bartelsmann, người nhập cư là chìa khóa cho một tương lai thành công. Nước Đức cần những người lao động lành nghề, bao gồm cả lao động đến từ các nước ngoài châu Âu. Vì vậy, chính phủ Đức cần nhanh chóng áp dụng luật nhập cư để có thể thu hút được các lao động lành nghề có trình độ trung bình và tay nghề cao, cũng như phát triển các chương trình hội nhập mạnh mẽ hơn.

Trước đó, Viện nghiên cứu về việc làm và Đại học Coburg phối hợp thực hiện cũng chỉ ra, nước Đức cần khoảng 146.000 người nhập cư mới mỗi năm là những người nhập cư đến từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả nghiên cứu, nếu không có người nhập cư, với tình trạng dân số già như hiện nay, lực lượng lao động ở Đức vào năm 2060 ước tính sẽ giảm 1/3, khoảng 16 triệu người. Khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Nhiều doanh nghiệp Đức khó tìm kiếm lao động lành nghề.

Theo số liệu của Viện Kinh tế Đức (IW), có khoảng 1,2 triệu việc làm chưa tuyển dụng được ở khắp nền kinh tế Đức. Trong số này, có khoảng 440.000 vị trí không thể đáp ứng bởi người lao động bản địa. Ông Alexander Burstedde, nhà kinh tế về lao động ở IW, ước tính tình trạng thiếu hụt lao động gây tổn hại cho nền kinh tế Đức 30 tỷ EUR mỗi năm và con số này chắc chắn tiếp tục tăng lên trong tương lai gần. “Tình hình đã quá tệ, thế hệ công nhân lớn tuổi bắt đầu về hưu và điều này sẽ tạo ra thêm một vết khuyết trong lực lượng lao động. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động đòi hỏi một loạt biện pháp từ việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại, cho đến tìm kiếm lao động lành nghề từ nước ngoài” – ông Burstedde cho biết.

Để khắc phục vấn đề này, chính phủ Đức đã soạn thảo một dự luật nhập cư mới nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài đến Đức làm việc. Trong dự thảo luật mới có nêu tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng nổi lên như một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Đức. Bởi nguồn cung lao động Đức và EU không đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Vậy nên, chính phủ cần phải thành công hơn nữa trong nỗ lực thu hút lao động chất lượng từ các nước thứ ba.

Một rào cản lớn đối với các công ty Đức là chỉ được phép tuyển dụng công nhân lành nghề từ các nước thứ ba ngoài EU nếu chứng minh được không có lao động trong nước cho các vị trí công nhân mà họ đang thiếu. Một khó khăn khác nữa là họ chỉ được phép tuyển dụng công nhân nước ngoài ở những lĩnh vực việc làm được chính thức công nhận đang thiếu hụt lao động. Do đó, dự luật mới sẽ xóa bỏ rào cản trên. “Đây từng là vấn đề chỉ xảy ra đối với các ngành nghề có chuyên môn cao chẳng hạn như kỹ thuật và khoa học máy tính. Hiện nay, đây là vấn đề rộng lớn hơn nhiều, ảnh hưởng đến các những ngành nghề không cần học thuật cao” – ông Burstedde phân tích.

Các công ty nhỏ và các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống, cũng như các bệnh viện nằm trong số những doanh nghiệp Đức bị tác động nặng nhất bởi tình trạng khan hiếm lao động. Tình hình khan hiếm lao động càng đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực công nghiệp nặng ở miền Nam nước Đức, nơi tỷ lệ thất nghiệp dân địa phương ở mức thấp chỉ 1-2%. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các công ty thành viên và 60% cho biết tình trạng thiếu lao động lành nghề là một rủi ro cho công việc kinh doanh” – ông Wolfgang Grenke, Chủ tịch Phòng Thương mại thành phố Karlsruhe ở miền Nam nước Đức, cho biết.

Nguồn: Baomoi